Dù trong nuôi trồng thủy sản hay trồng trọt, việc pH ao nuôi sụt giảm hay đất nhiễm phèn gây khó khăn cho canh tác không còn xa lạ với bà con. Để cải thiện môi trường và thúc đẩy sự phát triển của tôm, cá và cây trồng, việc bổ sung nguyên tố trung lượng qua bột dolomite là vô cùng cần thiết.
Bột dolomite không chỉ giúp cân bằng sinh hóa, mà còn nâng cao chất lượng và năng suất trong nông nghiệp. Vậy dolomite là gì? Ứng dụng của bột dolomite trong nông nghiệp ra sao? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Dolomite là gì? Định nghĩa bột dolomite
Dolomite là gì?
– Dolomite là một loại đá vôi trầm tích cacbonat, ở dạng tinh thể có công thức CaMg(CO3)2 – cặp cacbonat CaCO3.MgCO3.
– Thành phần: chứa 30,2-31,6% CaO; 17,6-20% MgO.
– Khoáng vật dolomite kết tinh ở hệ tinh thể tam phương, thường có màu sắc trắng, xám, sữa và chuyển hồng nếu lẫn tạp chất MnO ở tỷ lệ cao. Nó khó hòa tan trong nước và tan ít trong dung dịch axit loãng trừ khi ở dạng bột.
Định nghĩa bột dolomite
– Bột dolomite được tạo ra bằng sử dụng kỹ thuật nung rắn hoặc nung mềm để xử lý đá dolomite, sau đó đem đi nghiền mịn nhằm tạo ra bột đá dolomite và vôi dolomite.
– Công thức hóa học CaO.MgO
– Trên thị trường có 4 loại bột dolomite là bột dolomite xám, sữa, trắng và đen.
Ứng dụng của bột dolomite trong nuôi trồng thủy sản
Xử lý nước
– Bột dolomite xám có tác dụng tạo độ đêm (màu nước thích hợp cho nuôi tôm cá), điều này giúp tôm, cá dễ dàng hấp thu được chất dinh dưỡng.
– Ao nuôi chứa nhiều lưu huỳnh (Sulfur) có thể tạo ra khí hydro sulfua (H2S) dưới dạng sản phẩm phân hủy các chất hữu cơ, gây ra tình trạng nước có tính axit hơn. Khi bột dolomite bổ sung vào ao nuôi giúp trung hòa axit bằng cách cung cấp icon Ca²⁺ và Mg²⁺, làm ổn định pH và cải thiện chất lượng nước cho thủy sản phất triển thuận lợi hơn.
– Bột dolomite có khả năng kết tủa các hạt keo lơ lửng như: đất sét, mạnh vụn thực vật và chất thải của tôm, cá. Giúp các hạt keo kết dính thành cá hạt lớn hơn và dễ dàng lắng xuống đáy ao, từ đó nước ao sẽ trở nên sạch hơn.
Cung cấp CO2 cho quá trình quang hợp của tảo
Bột dolomite gián tiếp thúc đẩy sự hòa tan của CO2 tự nhiên trong nước, từ đó tảo có thể dễ dàng sử dụng cho quá trình quang hợp để sinh trưởng và phát triển. Điều này là có lợi cho ao nuôi, vì tảo có thể cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, cá.
Một sản phẩm phụ của quá trình tạo quang hợp là oxy (O2) được thải ra môi trường nước, giúp cân bằng hệ sinh thái ao nuôi bằng cách cung cấp lượng oxy cần thiết và hấp thu các chất dinh dưỡng dư thừa từ chất thải của tôm, cá và các nguồn hữu cơ khác.

Cải tạo đáy ao hồ
– Bột dolomite có tác dụng tạo không gian sống cho vi sinh vật có lợi, những vi sinh vật này giúp phân hủy chất thải từ tôm, cá, thức ăn dư thừa và các chất hữu cơ khác. Qúa trình này làm sạch lớp mùn bã ở đáy ao, từ đó làm giảm lượng khí độc hydro sulfua (H2S) và amoniac (NH3). Việc giảm khí độc cũng giảm nguy cơ bệnh tật cho thủy sản và chúng phát triển khỏe mạnh hơn.
– Bột đá dolomite giúp kết tủa phosphorus (P) dưới các dạng hợp chất không tan, làm giảm sự có mặt của phosphorus tự do trong nước. Điều này tạo ra một nguồn phosphorus dự trữ ở đáy ao, có lợi cho hệ sinh thái ao nuôi trong dài hạn, đồng thời hạn chế tình trạng bùng phát tảo độc hoặc vi sinh vật gây hại do dư thừa dinh dưỡng.
Kích thích tôm lột xác đồng loạt
Dolomite cung cấp trực tiếp Ca²⁺ và Mg²⁺ vào nước ao nuôi, giúp tôm có đủ khoáng chất cần thiết để lột xác một cách đồng loạt và nhanh chóng hình thành vỏ mới. Canxi giúp cứng hóa lớp vỏ mới sau khi lột, trong khi magie hỗ trợ trong việc ổn định cấu trúc vỏ và các hoạt động sinh lý khác. Việc bổ sung đủ khoáng chất giúp tôm cho chất lượng đồng đều, phát triển to, chắc và khỏe mạnh, từ đó tăng lợi ích kinh tế sau này.

Đồng thời, bột đá ổn định độ pH và giữ cho nước ở mức an toàn. Khi đó tôm sẽ ít bị stress, sức khỏe tốt hơn và giảm nguy cơ tôm bị nổi đầu (một hiện tượng tôm nổi lên mặt nước do thiếu oxy hoặc các điều kiện môi trường không thuận lợi).
Ứng dụng của bột Dolomite trong trồng trọt
Cải tạo đất
– Khử chua đất: Đất chua làm hạn chế khả năng hấp thụ dinh dưỡng của rễ cây. Bón bột dolomite giúp trung hòa axit và nâng cao độ pH của đất lên trung tính hoặc hơi kiềm, tạo điều kiện thuận lợi cho cây hấp thụ dinh dưỡng. Đất có độ pH ổn định giúp giữ lại các chất dinh dưỡng cần thiết, rễ cây dễ dàng tiếp cận dinh dưỡng trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển.
– Cung cấp dinh dưỡng: Vôi dolomite cung cấp hai dưỡng chất thiết yếu là Ca²⁺ và Mg²⁺. Canxi giúp cải thiện cấu trúc đất, làm đất trở nên tơi xốp hơn, giúp rễ cây phát triển mạnh mẽ. Magie là thành phần quan trọng của diệp lục, giúp cây quang hợp hiệu quả, từ đó tăng cường khả năng sinh trưởng và phát triển của cây.
– Cải thiện cấu trúc đất: Khi bón bột dolomite vào đất sét hoặc đất có cấu trúc nặng sẽ giúp làm giảm độ đặc chắc, làm cho đất trở nên tơi xốp hơn, cải thiện khả năng thoát nước và thoát khí. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho rễ cây phát triển sâu hơn, hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và cải thiện sức khỏe tổng thể của cây trồng.
Sản xuất phân bón
– Bột đá dolomite giúp tăng tốc độ phân giải chất hữu cơ trong phân chuồng và phân xanh, cung cấp chất dinh dưỡng dễ hấp thụ cho cây trồng. Đồng thời, dolomite có tính khử trùng nhẹ làm hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn, nấm bệnh và cỏ dại. Nhờ đó, phân bón sau khi ủ sạch hơn, an toàn cho cây trồng và không mang mầm bệnh hay hạt cỏ dại.
– Phân NPK thường cung cấp các nguyên tố chính là nitơ (N), phốt pho (P) và kali (K). Khi trộn thêm vôi dolomite, phân NPK được bổ sung thêm canxi (Ca) và magie (Mg), hai dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cây.
– Trong sản xuất phân bón gốc, dolomite được sử dụng để điều chế MgO (magie oxit). MgO có tính chất tan chậm trong nước, cung cấp dưỡng chất magie một cách hiệu quả và lâu dài. Điều này đặc biệt phù hợp để bón cho cây trồng lâu năm như cà phê, cao su, trà và cây ăn quả, vì các cây này cần nguồn dinh dưỡng để duy trì sự phát triển bền vững và năng suất cao.

Cải thiện chất lượng quả và sản phẩm lương thực
Canxi giúp cải thiện quá trình vận chuyển dinh dưỡng và nước từ rễ lên các bộ phận khác của cây thông qua mạch dẫn. Điều này tối ưu hóa quá trình tích lũy dưỡng chất trong quả, từ đó giúp quả phát triển đồng đều hơn, tăng lượng đường và hương vị tự nhiên. Kết quả là, quả trở nên ngọt hơn và chất lượng cao hơn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Khi cây có đủ Magie, quá trình quang hợp diễn ra thuận lợi, giúp cây có đủ năng lượng cho sự phát triển. Từ đó tạo ra nhiều đường hơn cho cây ăn quả và tinh bột cho cây lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn. Điều này đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, vì nó giúp nâng cao chất lượng và năng suất của các loại cây trồng chính.
Hướng dẫn sử dụng liều lượng bột dolomite trong nuôi trồng thủy sản
Trong nuôi thủy sản, kiểm tra và xác định thời điểm dụng bột dolomite để xử lý ao và cung cấp khoáng chất là rất quan trọng. Dưới đây là các khuyến nghị về liều lượng bột dolomite thường dùng:
Mục đích cải tạo ao
Trước tiên dọn sạch các chất cặn bã ra khỏi ao (nạo vét đáy, nhặt rác…). Rào lưới ngăn cua. Dùng máy bơm nâng nước đầy, ngâm súc rửa ao khoảng 2-3 ngày để thau phèn, làm sạch chất bẩn đáy ao. Phơi ao cho se đáy, sau đó cày lật, bón vôi, phơi để 10-15 ngày tiêu diệt mầm bệnh và trung hoà axit trong đất. Sau đó bừa đất làm phẳng, nếu đất xấu có thể bón NPK 200-300/ha.
Tiếp tục cấp nước từ từ vào ao để bột dolomite tan dần, đồng thời kiểm tra độ pH của nước và bổng sung thêm bột nếu cần thiết.

Mục đích hạ phèn
– Đối với ao nuôi: Liều lượng thường sử dụng từ 1-3 kg/100 m3 nước. Hòa tan trực tiếp với nước (nước mát, không cần nước ấm), sau đó tạt đều lên mặt ao. Phần không hòa tan sẽ lắng xuống đáy ao và tiếp tục trung hòa axit trong nước và đất.
– Đối với bè nuôi cá: Liều lượng sử dụng từ 2-4 kg/10m3 nước trong bè. Bột đá dolomite đặt trong bịch nhỏ và treo ở đầu dòng chảy. Sau đó chúng từ từ tan ra và phát tán khoáng chất vào nước.
Mục đích ổn định tính pH định kỳ
– Ao nước ngọt: > 40 mg CaCO3/l mức khuyến nghị để duy trì sức khỏe thủy sản và ổn định môi trường ao.
– Ao nước mặn, lợ: > 80 mg CaCO3/l làm ổn định pH và giảm nồng độ CO2, hỗ trợ quá trình quang hợp và hô hấp của tôm, cá.
Lưu ý: Trước khi sử dụng, nên kiểm tra độ pH và độ kiềm của ao. Nếu pH không được kiểm soát cẩn thận, thì pH quá cao sẽ tăng lượng NH3 gây độc cho thuỷ sản.
Mục đích bổ sung định kỳ khoáng chất cho vật nuôi
– Liều lượng: Sử dụng 1,5 kg/100m3 nước, liều lượng hợp lý để bổ sung duy trì mức độ khoáng chất cho vật nuôi.
– Rải trực tiếp bột dolomite xuống ao, hoặc hòa tan vào nước rồi tạt lên bề mặt ao, khuyến khích sử dụng 2 lần/tháng.
Mục đích làm trong nước ao và lắng chìm các chất hữu cơ
– Liều lượng: Sử dụng 1-2 kg bột dolomite/100m3 nước, liều lượng hợp lý để làm trong nước và lắng chất hữu cơ.
Cách sử dụng vôi dolomite cho đất và cây trồng đạt hiệu quả tốt nhất
Tương tự như trên, để đạt hiệu cao, điều quan trọng phải hiểu rõ tình trạng đất và cây trồng để dùng đúng cách và liều lượng. Dưới đây là hướng dẫn sử dụng vôi hiệu quả cho đất và cây trồng:
Cách bón vôi Dolomite
Rải đều chất cải tạo bột dolomite lên mặt đất, sau đó tiến hành dùng xẻng để xới trộn lớp đất canh tác.
Tỷ lệ sử dụng:
Đất sét | Đất mặn | |
Độ pH | Số lượng bón vôi | Số lượng bón vôi |
3,5-4,5 | 2 tấn/ha | 1 tấn/ha |
4,5-5,5 | 1,5 tấn/ha | 0,5 tấn/ha |
5,6-6,5 | 0,5 tấn/ha | 250kg/ha |
> 6,5 | Không cần bón vôi | Không cần bón vôi |
Lưu ý:
– Dùng xẻng trộn nhẹ để tránh gây tổn thương đến rễ tơ của cây và các vi sinh vật trong đất (thường xới sâu khoảng 10cm).
– Không nên bón bột dolomite chung với phân chuồng, phân urê, phân đạm (có thể bón phân NPK sau 15 ngày thì sẽ cho hiệu quả cao).
– Bột dolomite càng mịn thì trung hòa pH và cung cấp khoáng chất hiệu quả càng nhanh và cao, nhưng cũng dễ thất thoát do bị gió cuốn hoặc dòng nước cuốn trôi làm lãng phí.
Câu hỏi thường gặp
Vôi dolomite là gì?
Vôi dolomite là sản phẩm được trải qua kỹ thuật nung rắn từ dolomite và phân hủy thành CaO và MgO. CaO cung cấp Ca giúp cải tạo đất và trung hòa độ chua, MgO bổ sung Mg tham gia vào quá trình hô hấp và quang hợp của cây trồng.
Bón dolomite có tốt không?
Có, bón dolomite rất tốt cho cân bằng độ pH, cung cấp nguyên tố trung lượng Ca và Mg giúp cải thiện chất lượng đất, từ đó nâng cao chất lượng của cây trồng. Tuy nhiên việc bón cần phải được tính toán kỹ liều lượng và chỉ nên áp dụng cho đất chua hoặc đất thiếu khoáng chất.
Bột dolomite được sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản khi nào?
Người ta thường sử dụng bột dolomite trong các trường hợp sau đây:
– Xử lý nước hồ nuôi, điều chỉnh độ pH, hạ phèn cho nước.
– Làm thức ăn cho thuỷ hải sản.
– Tạo môi trường cho vi sinh vật phân có lợi phân huỷ chất hữu cơ.
– Tạo môi trường thuận lợi cho tảo phát triển.
– Cung cấp các nguyên tố trung lượng Ca và Mg.
Kết luận
Ứng dụng bột dolomite trong nông nghiệp là giải pháp tự nhiên an toàn giúp cải thiện tích chất đất và môi trường nước. Vai trò chính nhằm cung cấp hai dưỡng chất thiết yếu là Ca²⁺ và Mg²⁺, ổn định độ pH và kích thích vi sinh có lợi vật phát triển đã góp phần nuôi trồng thuỷ sản cho chất lượng đồng đều và canh tác cây trồng cho trái và hạt năng suất cao.
Việc sử dụng đúng liều lượng bột dolomite còn giúp tạo ra lợi thế bảo vệ sức khoẻ vật nuôi, cây trồng lâu dài và tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển bền vững cho môi trường và ngành sản xuất này.